Tầm quan trọng của tri thức trong quản trị doanh nghiệp

397

Trong buổi tọa đàm “Doanh nhân và nền kinh tế tri thức”, các khách mời đều khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và tri thức trong công tác điều hành doanh nghiệp.

Tọa đàm “Doanh nhân và nền kinh tế tri thức” là sự kiện nằm trong Lễ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ doanh nghiệp Pro MBA. Đây là chương trình liên kết độc quyền giữa học viện WAcademy trực thuộc quản lý tập đoàn WLIN Global Holdings với trường đại học Hoa Sen – viện sau đại học và lãnh đạo, dành riêng cho cấp lãnh đạo và quản lý cấp cao tại các công ty và doanh nghiệp.

Với mục tiêu chia sẻ kiến thức và ý kiến về việc học tập và tiếp thu tri thức nhằm nâng tầm bản thân, buổi tọa đàm đã mang tới những câu chuyện thú vị, xuất phát từ kinh nghiệm của các doanh nhân thành đạt như Nguyễn Hoài Nam – Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya, Lê Viết Hải – Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình, doanh nhân Trần Văn Phát – CEO Công ty Cổ phần Đầu tư Robot, cùng sự dẫn dắt của Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương.

Doanh nhân Lê Viết Hải: Tri thức là bước phát triển tất yếu của loài người

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Viết Hải thuật lại sự phát triển của kinh tế – xã hội nói chung, qua đó nhấn mạnh rằng nền kinh tế tri thức đang chi phối sự phát triển xã hội nói chung.

“Ta đã đi qua nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và giờ là tri thức. Nền kinh tế này cố bước chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều người cho rằng đây là một phần của nền kinh tế công nghiệp, nhưng tôi tin rằng chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế tri thức chứ không phải là cách mạng công nghiệp nữa. Thực tế, công nghiệp là một phần của nền kinh tế tri thức và có tác dụng thúc đẩy loài người chuyển sang giai đoạn tiếp theo”, ông Lê Viết Hải nhận định.

Tiếp đó, ông Lê Viết Hải chia sẻ rằng sự phát triển của Công ty Cổ phần xây dựng Hòa Bình gắn liền với việc nỗ lực học hỏi kỹ thuật, công nghệ và phương pháp quản lý từ các đối tác quốc tế. Trong đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà lãnh đạo phải trau dồi kiến thức để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.

“Doanh nhân luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Chúng ta cần phải nắm bắt được thành tựu của nền kinh tế này để giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong môi trường kinh doanh nhiều biến động. Các doanh nhân phải nỗ lực để ứng dụng công nghệ kỹ thuật, hệ thống truyền thông và công nghệ thông tin. Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt là các doanh nhân phải nỗ lực học hỏi, tiếp thu tri thức, nâng cao trình độ cá nhân và đào tạo đội ngũ”, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch của Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình tiết lộ doanh nghiệp của mình đã áp dụng phương pháp đào tạo nhân viên thông qua hệ thống online trong 3 năm qua. Ngoài ra, ông Lê Viết Hải cho biết doanh nghiệp của mình đang đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình Innovation Centre với diện tích 91.000m2 tại Trung tâm công nghệ cao Tp.HCM nhằm tạo ra hệ sinh thái phát triển cho ngành công nghiệp xây dựng.

Doanh nhân Trần Văn Phát: Học là cuốn sách không có trang cuối cùng

“Chúng ta thường nể người có tri thức, trọng người có tiền và sợ người có quyền. Bởi vậy tôi cho rằng những người đã thành đạt, có tiền có quyền thì nên tiếp tục học hỏi để nâng cao tri thức. Có những doanh nghiệp thành công trong 10 năm đầu, nhưng nếu không học hỏi, không đổi mới sáng tạo trong tư duy và đội ngũ thì vẫn có nguy cơ thất bại trong 10 năm tiếp theo. Do đó, các lãnh đạo doanh nghiệp bắt buộc phải học hỏi và cập nhật kiến thức mới”, doanh nhân Trần Văn Phát chia sẻ.

Để củng cố cho ý kiến của mình, ông Trần Văn Phát đưa ra ví dụ của Công ty Cổ phần đầu tư Robot – nơi ông đang nắm vị trí CEO. Trong bối cảnh ngành sản xuất ổn áp và dây diện đang đi xuống, công ty của ông buộc phải học hỏi những kiến thức mới để đứng vững trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông Trần Văn Phát nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập trong hành trình phát triển của bản thân.

“Tôi xuất thân là một cậu học trò nghèo ở Quảng Nam, 32 năm trước tới Tp.HCM và liên tục học hỏi. Sau đó tôi được làm trợ lý cho anh Võ Quốc Thắng của Gạch Đồng Tâm. Thế rồi tôi học thêm quản trị kinh doanh, học luật, làm thạc sĩ rồi nghiên cứu sinh. Với một người không có nền tảng gia đình ở Tp.HCM, ngày nay tôi có thể vươn lên và đứng ở vị trí cao trong công ty là nhờ nỗ lực học hành”, ông Trần Văn Phát chia sẻ.

Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân, ông Trần Văn Phát tin rằng chương trình Pro MBA sẽ mang lại những kiến thức bổ ích cho các doanh nhân.

“Tôi thấy chương trình Pro MBA có nhiều môn học hiệu quả. Ngày xưa chúng ta học quản trị chiến lược, giờ là quản trị chiến lược nền tảng số và marketing chuyển đổi số. Ngày trước, chương trình mini MBA ở trung tâm Pháp – Việt chỉ có 8 modul thôi. Bởi vậy khi đọc danh sách môn học, tôi tin rằng chương trình sẽ mang lại những kiến thức tốt cho học viên”, ông Trần Văn Phát nhận xét.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam: Tri thức là hướng tới sự bền vững

Trong buổi tọa đàm, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam chia sẻ những ý kiến cá nhân về vấn đề tri thức trong quản trị doanh nghiệp. Ông tin rằng con đường hướng tới tri thức cũng hướng tới sự bền vững.

“Ở góc độ quản trị doanh nghiệp gần 30 năm, tới hôm nay, k có bất cứ mô hình quản trị hay kinh doanh nào bền vững mà không áp dụng tri thức. Ngày xưa ta quan niệm đầu vào của nền kinh tế là lực lượng sản xuất và công cụ sản xuất, nhưng ngày nay yếu tố đầu tiên phải là tri thức, kỹ năng và đặc biệt là cách truyền tải thông tin.

Người nào kiểm soát công nghệ, cách truyền tải thông tin và có bộ máy tổ chức với kỹ năng tốt thì sẽ phát triển”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Tiếp đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya mở rộng ra vấn đề môi trường. Ông khẳng định rằng các các doanh nghiệp dù lớn mạnh tới đâu mà không áp dụng tri thức và chất xám thì sẽ khó mà đứng vững.

“Tri thức làm chúng ta nghĩ nhiều về vấn đề nhân văn, môi trường và bền vững. Dân số thế giới hiện nay là 7 tỉ người và còn tăng lên, nhưng diện tích xanh của hành tinh thì không. Ta nói tới môi trường, hệ sinh thái và nền kinh tế tuần hoàn vì đó là con đường hướng tới sự bền vững, nhưng chúng ta phải tạo ra một vòng hoàn thiện. Ví dụ, ta làm ra điện mặt trời với mục tiêu bảo vệ môi trường, nhưng chưa có ai trả lời được rằng những tấm pin đó sẽ ra sao sau nhiều năm nữa. Đó là một vòng tuần hoàn không hoàn thiện”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận xét.

Bên cạnh đó, ông nhận mạnh rằng rào cản lớn nhất của việc học hỏi tri thức là tư duy ngắn hạn và tư tưởng chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt.

“Để một doanh nghiệp phát triển bền vững, chúng ta cần tri thức. Nhưng trong môi trường mới thì rào cản lớn nhất của tri thức là việc chỉ tập trung vào cái lợi trước mắt. Những suy nghĩ ngắn hạn, vụn vặt sẽ bóp méo mong muốn học hành để đầu tư vào chính bản thân mình, ngăn cản sự phát triển tri thức để đóng góp cho doanh nghiệp và xã hội.

Trong tất cả hoạt động doanh nghiệp, vấn đề khó là chúng ta cùng nhìn về mục tiêu lâu dài, xây dựng cơ chế để chúng ta cùng trên con thuyền và đi tới trước. Chúng ta phải được học tập, rèn luyện trong môi trường tốt, đón nhận kiến thức mới, đặc biệt là với các doanh nhân đã rất thành công”, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *