Pháo sáng – mối họa kéo lùi bóng đá Việt Nam

479

Niềm cảm hứng từ đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo mới được nhen nhóm, nhưng những ngọn pháo vô tâm có thể lại đẩy khán giả ra xa V-League. 


Pháo sáng rực cháy trên khán đài sân Hàng Đẫy hôm 11/9.

Sân Hàng Đẫy là đích đến của nhiều vụ đốt pháo sáng trên khán đài. Những vụ pháo sáng từng xảy ra tại đây có liên quan đến CĐV các đội Hải Phòng, Nam Định và SLNA. Sân chỉ có sức chứa 15.000 người. Khu vực dành cho CĐV đội khách, theo quy định, chỉ chừng 2.000 người. Các chi tiết đó cho thấy việc kiểm soát pháo sáng nằm trong bàn tay của các nhà tổ chức trận đấu. Nhưng từ năm 2016, bảy vụ đốt pháo sáng được lập báo cáo, nhưng chỉ năm lần Ban tổ chức sân Hàng Đẫy bị phạt. Không lần nào sân này bị treo quyền tổ chức các trận đấu. Đầu mùa này, Ban kỷ luật VFF từng đưa ra án phạt treo sân, nhưng sau đó, một ban khác của VFF can thiệp và mức phạt chỉ còn là nộp tiền. Một số tiền còn thấp hơn cả chi phí tăng cường lực lượng kiểm soát an ninh.

Những kẻ đốt pháo sáng trên khán đài hôm qua có phải CĐV Nam Định hay không? Đó là một vụ cố tình phá hoại cần bị truy cứu hình sự hay chỉ là trò đùa dại quá đà? VFF có “treo sân” hoặc nặng hơn là trừ điểm CLB Hà Nội hay không? Liệu có tái diễn chuyện đốt pháo sáng trên các sân cỏ V-League trong tương lai? Đó là những câu hỏi buộc VFF và đơn vị tổ chức V-League – Công ty VPF – phải có trách nhiệm trả lời. Lần này họ không thể lẩn tránh, thậm chí, nếu cần thiết, có thể phải ngưng V-League để cân nhắc án phạt thích đáng.

Đã có nạn nhân trực tiếp ngay trong trận đấu. Sự cố này có thể khiến FIFA quan tâm và không loại trừ bóng đá Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề vì đúng một  tháng nữa, Việt Nam sẽ đá trận sân nhà đầu tiên ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong hồ sơ của FIFA, chắc chắn đã có án phạt mà AFC vừa đưa ra liên quan đến CĐV Việt Nam đốt pháo sáng tại Asiad 2018.

VFF từng nhiều lần thoái thác trách nhiệm đối với vấn đề pháo sáng. Họ cũng ra án phạt, có lúc nặng lúc nhẹ, nhưng khi sự việc tái diễn, họ hầu như không có phương án dứt điểm. Lại phạt và tái diễn. Điều này cho thấy sự vô tâm trong công việc, tạo cảm giác việc của VFF chỉ là ra án phạt, không cần biết CĐV có đốt nữa hay không. Khán giả cứ tự lựa chọn chuyện đến hay không đến sân.

Những án phạt của VFF cũng rất sơ sài, không nói rõ ai chịu trách nhiệm chính. Trận Hà Nội – Hải Phòng ở vòng 6 mùa này, họ phạt mỗi CLB 70 triệu đồng, số tiền kịch khung quy định. Nhưng sau đó hai vòng, trận Viettel – SLNA tại Hàng Đẫy cũng có pháo sáng, mỗi đội chỉ là 20 triệu đồng. Như vậy, trên cùng sân bóng, án phạt lại không giống nhau và vụ sau nhẹ hơn vụ trước.

Sự vụ ở trận Hà Nội – Nam Định hôm 11/9 là có thể nhìn thấy trước. Vì các án phạt do VFF đưa ra hầu như không “đánh” trực tiếp vào quyền lợi của CLB cũng như CĐV của họ, và vì thế không có tính chất trừng phạt, ngăn ngừa.

Án phạt có tính chất hữu hiệu nhất trong bóng đá ở những trường hợp có liên quan đến CĐV, đó là treo sân và trừ điểm. Hai hình phạt này tác động trực tiếp đến quyền lợi CLB và CĐV, buộc chính những người có liên quan phải tự kiểm soát hành vi của bản thân, vì đốt pháo sáng là hiện tượng chỉ phổ biến trong bóng đá, có thể “chỉ mặt, đặt tên”.

Nhưng đến giờ, chưa có trường hợp nào bị xử thua vì pháo sáng tại V-League. Án phạt nặng nhất cho đến nay vẫn là treo sân Lạch Tray của Hải Phòng năm 2010. Trong khi đó, lịch sử cho thấy VFF từng nhiều lần sử dụng đến biện pháp xử thua với mục đích ngăn chặn triệt để một vấn đề tiêu cực nào đó đã lên đến mức gây hại cho cộng đồng bóng đá.

Thời ông Ngô Tử Hà làm Trưởng Ban tổ chức giải vô địch quốc gia – trước khi V-League ra đời, đã có những án xử thua cho các trận đấu bị báo cáo là “có tiêu cực”. Chính ông Hà thừa nhận, nếu đòi tìm bằng chứng cụ thể, thì chắc đến thế kỷ 30 mới tìm đủ, nhưng xử thì vẫn phải xử. Rồi tại V-League 2013, đội Xi Măng Xuân Thành cũng bị trừ bốn điểm, chỉ với các chứng cớ mơ hồ. Bất chấp đội này bất mãn rồi tự giải tán, dòng chảy bóng đá Việt Nam đâu vì thế mà tồi tệ?

Không có chứng cớ còn làm được, xử thua với các hiện tượng pháo sáng thì lại rất dễ và có nhiều “án điểm” trên thế giới. Nổi tiếng như trận derby Milan giữa Inter Milan – AC Milan tại tứ kết lượt về Champions League năm 2005. Pháo sáng là “đặc sản” của các trận derby ở San Siro, nhưng UEFA không xem đấy là điều đáng tự hào. Inter, với tư cách là chủ nhà của trận đấu ấy, bị xử thua 0-3 bên cạnh án “treo sân” sáu trận, chưa kể khoản tiền phạt khổng lồ. Mới nhất, và gần hơn là tại vòng loại World Cup 2018, Malaysia cũng bị xử thua 0-3 cùng một trận “treo sân”, vì CĐV ném vật lạ xuống sân, làm tạm ngưng trận đấu với Ả-rập Xê-út hồi năm 2015.

Không khó để nhận thấy, thói quen đốt pháo sáng tại V-League đang lây lan đến các trận đấu của đội tuyển quốc gia. Tại vòng loại World Cup 2018 năm 2015 ở sân Mỹ Đình, cũng đã có màn đốt pháo sáng mừng bàn thắng, may mắn không bị FIFA phạt. Nhưng việc một CĐV bị thương tại Hàng Đẫy hôm qua chắc chắn sẽ đến tai FIFA, AFC, và án phạt nặng có thể sẽ đến bất kỳ lúc nào nếu một mồi lửa được đốt lên trong trận gặp Malaysia sắp đến, bất kể từ CĐV của bên nào.

Sự bị động có phần bạc nhược, cách xử lý rối rắm cả nể và nhập nhằng trong quản lý đang khiến V-League trả giá. Rất khó khăn, khán giả mới bắt đầu quay lại các sân bóng nội địa để xem V-League, nhờ thành tích cực tốt đến từ các đội tuyển quốc gia dưới trướng HLV Park Hang-seo. Chưa kịp biến nguồn cảm hứng ấy thành động lực kéo khán giả đến sân, thì pháo sáng và bạo lực sân cỏ lại đẩy người hâm mộ rời xa các trận đấu.

Trong khi V-League chưa giới thiệu thêm cho Park Hang-seo những đột biến nào về nhân sự, buộc HLV người Hàn Quốc phải xoay tua nhóm cầu thủ quen thuộc suốt hai năm qua, thì giờ đây, V-League còn có thể kéo lùi cả nền bóng đá bởi sự hỗn loạn và yếu kém trong công tác điều hành.

(VNE)




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *