iPhone có thể “made in Vietnam”

465
Một nửa số điện thoại bán ra trên toàn cầu của tập đoàn Samsung được lắp ráp tại Việt Nam. Tiếp theo, có thể hãng Apple cũng sẽ đặt cơ sở sản xuất tại đất nước hình chữ S. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn, đó là nhận định được đăng trên thời báo New York Times.
iPhone có thể “made in Vietnam”
Công nhân làm việc tại một nhà máy công nghệ tại Bắc Ninh chuyên cung cấp linh kiện cho các công ty nước ngoài
Nhiều cơ hội lớn

Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất lớn của thế giới về quần áo, giày dép và những sản phẩm thủ công khác. Khoảng một nửa số giày bán ra của hai hãng thể thao Nike và Adidas đang được sản xuất tại Việt Nam.

Khi các nhà máy mọc lên nhiều hơn, Chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện xây dựng hệ thống đường sá, cảng biển và nhà máy điện. Hà Nội cũng ký kết thoả thuận với các chính phủ trên thế giới để giảm hàng rào thuế quan. Gần đây nhất, Hà Nội đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh Châu Âu. Đây là lần thứ hai, EU ký với một nước tại Đông Nam Á, trước đó là Singapore.

Căng thẳng thuế quan Mỹ – Trung đang khiến nhiều công ty xem xét chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đặc biệt, hàng loạt các sản phẩm smartphone, máy chơi game và một số mặt hàng tiêu dùng khác sắp tới có thể nằm trong danh sách thuế đặc biệt của Tổng thống Trump. Vì vậy, họ đã chọn Việt Nam là điểm đến mới. Các nhà máy tại Việt Nam ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, đặc biệt phải kể đến các tập đoàn công nghệ lớn. Họ muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam, quốc gia vốn đang trên đà trở thành trung tâm sản xuất smartphone và các thiết bị công nghệ cao cấp khác của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải học cách hoàn thiện từ những sản phẩm nhỏ nhất như bộ vỏ nhựa trên tai nghe.

Hãng Apple đã tìm đến Việt Nam và Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong khi đó, hãng Nintendo (công ty game lâu đời nhất thế giới) cũng đang nhanh chóng chuyển dây chuyền sản xuất thiết bị chơi điện tử cầm tay từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tập đoàn điện tử nổi tiếng Foxconn (đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple) cũng đã tuyên bố mua quyền sử dụng đất tại Việt Nam từ tháng 1/2019. Đồng thời, tập đoàn này cũng bơm 200 triệu USD vào thị trường Ấn Độ.

Thách thức cũng không nhỏ

Dù đang có những lợi thế, nhưng quốc gia gần 100 triệu dân này sẽ không thể ngay lập tức thay thế Trung Quốc thành trung tâm sản xuất của thế giới chỉ sau một đêm. Chi phí đất đai ở Việt Nam còn khá đắt đỏ. Hệ thống nhà máy và nhà kho vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, thiếu hụt nhân công và quản lý lành nghề cũng là một thách thức cho Việt Nam.

“Dù lực lượng lao động của Việt Nam mỗi năm tăng thêm khoảng một triệu người nhưng thiếu lao động sẽ không còn là chuyện xa vời”, Giám đốc điều hành Frederick R Burke của hãng luật Baker Mckenzie tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Việt Nam cũng thiếu hệ thống các công ty phụ trợ cung cấp linh kiện đặc biệt và chuyên dụng, trong khi đó rất dễ dàng tìm được ở Trung Quốc. Bà Trần Thu Thủy, Giám đốc Công ty sản xuất khuôn kim loại HTMP, nói rằng, bà rất mừng nếu có thể sản xuất cho Apple. Tuy nhiên, công ty của bà sẽ phải cải thiện rất nhiều nếu muốn làm được điều đó. “Có một danh sách rất dài những việc cần làm để có thể đạt tiêu chuẩn của Apple”, bà Thủy cho biết.

Anh Vũ Thắng là chủ của công ty công nghệ Bắc Việt có trụ sở tại Bắc Ninh, chuyên sản xuất các linh kiện nhựa cho máy in Canon, nhạc cụ Korg và điện thoại Samsung. Anh cho biết doanh nghiệp của anh khó cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung Quốc. Lý do bởi hằng tháng anh vẫn phải nhập từ 70 – 100 tấn nguyên liệu nhựa từ quốc gia láng giềng.

“Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc. Giá vật liệu chúng tôi mua trong nước cao hơn so với Trung Quốc 5 – 10%. Hơn nữa, thị trường Việt Nam quá nhỏ để một công ty nhựa đặt nhà máy tại đây”, anh Thắng nói.

Tuy nhiên, Chính quyền của ông Trump cũng đã nhận ra nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc thao túng tiền tệ. Thao túng ở đây có nghĩa Nhà nước thay đổi tỷ giá hối đoái để có lợi cho các nhà xuất khẩu của chính quốc gia đó và làm cho các nhà nhập khẩu phải tiêu tốn nhiều hơn trong trao đổi thương mại. Danh sách các nước cần bị giám sát về thao túng tiền tệ của Mỹ đưa ra vào cuối tháng 5 có thêm tên Việt Nam, Malaysia và Singapore. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Việt Nam có thể là đối tượng tiếp theo bị áp thuế.

Đáp lại, Chính phủ Việt Nam cho biết, muốn có mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi với Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng nhấn mạnh sẽ trừng phạt những nhà xuất khẩu mạo danh “Made in Vetnam” để tránh thuế của Mỹ.

Những hành động của Chính quyền ông Trump có lẽ cũng không thể đảo ngược được xu hướng biến miền Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất thiết bị điện tử.

(TTTĐ )



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *