Sự đơn độc của Tiến Minh

593

Tiến Minh chính là gương mặt nổi bật trong số những “con độc”, nhẩm đếm chưa hết mười đầu ngón tay của thể thao Việt Nam thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Ở tuổi 37, tay vợt Nguyễn Tiến Minh vừa bất ngờ đoạt tấm HCĐ giải vô địch châu Á một cách đầy may mắn mà cũng vô cùng xứng đáng. Chiến tích xuất sắc này tiếp tục chứng tỏ ý chí và sự bền bỉ phi thường của một mẫu hình “con nhà giàu vượt khó” đặc biệt, đồng thời cũng cho thấy cả sự đơn độc và khoảng trống mênh mông phía sau tay vợt này. 

Con nhà giàu…vượt khó

Thể thao Việt Nam từng chứng kiến hàng loạt ngôi sao vượt lên từ gian nan, nghèo khó, song thực sự đến tay vợt từng lọt vào Top 5 thế giới Nguyễn Tiến Minh mới có một mẫu hình đầu tiên đúng nghĩa “con nhà giàu… vượt khó”.

Trường hợp này theo giới chuyên môn là cực hiếm và quá khó, nhất là lại duy trì ổn định trong suốt một thời gian dài trên đỉnh cao quốc tế như Minh. Ngoài anh, giờ đây, cũng mới chỉ có thêm một ngôi sao có hoàn cảnh và hành trình tương tự là Siêu đại kiện tướng quốc tế cờ vua Lê Quang Liêm. Là con trai sinh trưởng trong một gia đình doanh nghiệp khá giả ở TPHCM, cậu út Tiến Minh đến với cầu lông từ năm 10 tuổi, một sự gắn bó tưởng ngẫu nhiên mà như một định mệnh. Từ một tay vợt thiếu hụt bài bản, thể hình thể lực hạn chế, nhưng với niềm đam mê, ý chí cực cao, tinh thần vượt khó vượt khổ phi thường trong suốt một thời gian dài, anh đã tạo nên bước đột phá thần kỳ để gia nhập nhóm tay vợt hàng đầu thế giới.

Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, anh đã có hơn 2 năm liên tục đứng trong Top 10, cao nhất từng vọt lên hạng 5 thế giới. Anh từng đoạt tấm HCĐ thế giới và mới đây là tấm HCĐ châu Á. Suốt hai thập kỷ có lẻ gắn bó với thảm đấu, chàng “công tử” này hầu như không bỏ ngày tập nào, với một lịch tập 3 buổi mỗi ngày đều đặn và nặng nhọc.

Thậm chí, ngay Tết Nguyên đán, anh cũng chỉ nghỉ đến chiều mồng 2 Tết là lại vác vợt ra sân. Để luyện một động tác khó, sửa một lỗi sai, Tiến Minh đủ bền bỉ để tập đi tập lại đến khi đạt mới thôi. Với mỗi thất bại, có thể buồn đến mức ở lì trong nhà vài ngày, song Minh chưa bao giờ nản, sau đó lại vào lao rèn tập… như điên. Dường như anh đã dành hết, thực tế đã hy sinh thật nhiều, kể cả những thú vui, sự hưởng thụ rất đỗi bình thường cho cầu lông – môn mà anh coi như nghiệp đời của mình. Chính nhờ sự “vượt khó của con nhà giàu” ấy mà Việt Nam mới có một tay vợt đẳng cấp thế giới mà theo đánh giá của giới chuyên môn phải 2 thập kỷ nữa vẫn khó có người thứ hai.

Điều đáng nói, giờ đã 36 tuổi, đã lập gia đình, có một khoản tích lũy nhiều tỷ đồng, song tình yêu, niềm khát khao, sự chuyên nghiệp của Tiến Minh trong tập luyện và thi đấu vẫn nguyên vẹn như ngày đầu

Phận “con độc” của cầu lông Việt Nam

Với tấm HCĐ giải vô địch châu Á mới đây, chính Tiến Minh cũng phải thừa nhận mình đã gặp may khi tay vợt số 1 thế giới Chen Long đã bỏ cuộc ở vòng tứ kết, giúp anh giành quyền đi tiếp. Nếu có Chen Long, Tiến Minh sẽ ít có cơ hội, đơn giản vì Minh đã ở bên kia sườn nghiệp đấu, tụt lại rất xa so với nhóm hàng đầu thế giới.  Tuy nhiên, thành tích cùng phong độ mà Minh hiện có đã là cả một sự phi thường với bất cứ tay vợt nào trên thế giới ở lứa tuổi của anh. Tiến Minh đang tràn trề hi vọng để hoàn tất mục tiêu đoạt một tấm vé chính thức dự tranh Olympic 2020.

Ai cũng hiểu, sở dĩ tay vợt U.40 Tiến  Minh còn cố gắng theo nghiệp, ngoài niềm đam mê của bản thân, sự ràng buộc với nhà tài trợ thì còn bởi cầu lông Việt Nam vẫn chỉ có thể trông cậy vào anh trong các đích nhắm quốc tế tầm cao. Dù muốn hay không, anh vẫn cứ phải “cày ải” qua hàng chục giải quốc nội và quốc tế mỗi năm. Nếu không có Tiến Minh, cầu lông Việt Nam chẳng còn gì để thi thố với quốc tế. Qua những gì đã thể hiện, có thể khẳng định những gương mặt được kỳ vọng trong những năm qua như Vũ Thị Trang, Phạm Cao Cường, Nguyễn Thùy Linh sẽ không bao giờ đạt tới đẳng cấp của đàn anh.

Tiến Minh chính là gương mặt nổi bật trong số những “con độc”, nhẩm đếm chưa hết mười đầu ngón tay của thể thao Việt Nam thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Xét trong cách nghĩ cách làm hiện tại của ngành thể thao, để có được thêm một tài năng đặc biệt như Quang Liêm hay Tiến Minh thực sự rất khó, nếu không muốn nói là không thể trong nhiều năm tới. Cả một quy trình từ phát hiện, đào tạo, đãi ngộ VĐV đều giống như “lúa trời”, chỉ trông chờ vào sự may rủi. Ngay Tiến Minh, khi đã bước ra thế giới cũng chưa hề được chăm lo, đầu tư đến nơi đến chốn, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Suy cho cùng, với thể thao Việt Nam sự xuất hiện của một vài “con độc” như Tiến Minh cũng đã quá may mắn.

“Theo tôi có 4 nguyên nhân khiến môn cầu lông nói riêng và cả thể thao Việt Nam chưa thể đột phá. Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV chất lượng cao nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục để rồi nhiều VĐV dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng. Thứ ba, chúng ta không thiếu nhân tố triển vọng nhưng rất ít người được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn. Thứ tư, chế độ đầu tư, đãi ngộ dành cho một số tài năng đặc biệt còn rất hạn chế” Chuyên gia Huỳnh Ngọc Liên.

(NgayNay)




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *