Nghệ thuật tiêu tiền trong bóng đá

853
Barcelona là một đội bóng lớn và giàu có, thế nhưng khả năng kiểm soát tài chính của họ lại thực sự có vấn đề.

Coutinho gần như chắc chắn là bản hợp đồng thất bại tiếp theo của Barca. Một năm rưỡi khoác áo Los Blaugrana, bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử đội bóng với mức phí chuyển nhượng 120 triệu euro gần như không để lại được bất kỳ dấu ấn nào. Trong khi đó bản hợp đồng 105 triệu euro Ousmane Dembele tuy chưa ra đi nhưng cũng không đáp ứng được kỳ vọng. 

Đó là cái cách Barca tiêu xài 222 triệu euro mà đội bóng này thu về từ việc Neymar chuyển sang PSG. Nhìn lại 3 năm qua, chưa cần tính xa hơn, Barca không thiếu những vụ đầu tư thất bại kiểu như Coutinho.
Mùa Hè năm ngoái là Malcom, 41 triệu euro, bây giờ đã được đẩy sang Zenit St. Petersburg. Trước nữa là Yerry Mina, Nelson Semedo, Thomas Vermaelen, Lucas Digne, Andre Gomes.v.v… 

Tính ra từ năm 2016 đến 2018, số tiền Barca ném vào thị trường chuyển nhượng là hơn nửa tỷ euro (555,45 triệu euro). Đến cả Man City cùng giai đoạn dù đốt tiền để Pep Guardiola xây dựng lực lượng cũng chỉ đến mức ấy. Và nên nhớ, Barca có lợi thế hơn mọi đội bóng khác là không cần đi tìm hạt nhân của đội hình hay nói cách khác là xây dựng ngôi sao số một.

Đơn giản, Lionel Messi là hạt nhân chất lượng nhất có thể để đội hình xung quanh. Đó là một ngôi sao tài nghệ tuyệt luân và trưởng thành từ chính lò đào tạo của CLB. Nhiệm vụ của Barca đâu có như Real Madrid phải mua Hazard, M.U phải mua Pogba hay Juventus phải mua Cristiano Ronaldo. Vậy mới thấy sự phung phí của Barca khủng khiếp như thế nào.

Coutinho rời Barca với nỗi thất vọng tràn trề

Một khía cạnh khác, BLĐ Barca cũng không thiếu những bê bối tài chính. Tiêu biểu là những tranh chấp tiền bạc trong vụ chiêu mộ Neymar vào mùa Hè 2013 hay các thuyết âm mưu được thêu dệt trong thương vụ Paulinho. Vụ thứ nhất, Sandro Rosell mất chức Chủ tịch. Vụ thứ hai, đương kim Chủ tịch Bartomeu bị tình nghi mua Paulinho để rộng đường làm ăn ở công ty riêng.

Ngoài ra, Barca đã từng để quỹ lương vọt lên mức chiếm 84% doanh thu, trong khi khuyến cáo của UEFA là để đảm bảo sức khỏe tài chính, các đội bóng cần kiểm soát quỹ lương không vượt qua mức 70%. Thế nên, rõ ràng khả năng quản lý tài chính của đội bóng xứ Catalan cần bị đặt một dấu hỏi lớn.

Cách đây không lâu, dư luận từng một phen dậy sóng vì một anh chạy xe ôm sau 2 năm trúng độc đắc 8 tỷ trở lại chạy xe ôm vì tiêu pha hết tiền. Anh chàng ấy không thể trách cứ bất kỳ ai là vì sao anh mãi nghèo.
Vì thực tế anh đã bỗng dưng giàu có rồi nhưng trở về tay trắng. Vấn đề là anh không đủ khả năng và trình độ kiểm soát khối tiền lớn như vậy chứ chưa nói đến việc đầu tư có lãi.

Khoảng trống sau lưng Messi là điều Barca phải âu lo

Barca không hẳn bỗng dưng giàu có. Đội bóng này có nền tảng vững vàng là thành tích trong quá khứ, sự ủng hộ nhiệt thành của người hâm mộ tới mức trở thành biểu tượng của một xứ sở giàu có và sở hữu một trong những lò đào tạo danh tiếng bậc nhất. Tuy vậy, Barca cũng có thể xem như trúng độc đắc vì sở hữu thiên tài trăm năm có một như Messi.

Messi là tài sản, một thứ tài sản khổng lồ. Thế cho nên công việc của Barca là sử dụng khối tài sản khổng lồ ấy sao cho hiệu quả, không chỉ ở hiện tại mà cả cho tương lai. Nên nhớ trước khi Messi xuất hiện, Barca chỉ có 1 chức vô địch châu Âu và 16 danh hiệu La Liga. Sau khi Messi xuất hiện, gia tài của Barca là 4 chức vô địch châu Âu và 26 danh hiệu La Liga. Và thành công trên sân cỏ đương nhiên đem đến những khoản doanh thu khổng lồ.

Tuy vậy, sự hiệu quả của Barca trong việc sử dụng “tài sản” Messi là không ổn. Về mặt tài chính như đã đề cập, quá nhiều sai lầm và bê bối. Về mặt chuyên môn, cần nhấn mạnh rằng trong độ tuổi đỉnh cao nhất của Messi từ 24 tuổi đến nay (32 tuổi), Barca chỉ một lần vô địch Champions League. Và đừng quên thời gian không loại trừ một ai, Messi đã gần bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp trong khi khoảng trống đằng sau lưng anh thì vẫn cứ mênh mông!

(BongDaPlus)




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *